Thứ Hai, 27 tháng 3, 2017

Cần chú ý chăm sóc sức khỏe răng miệng


QĐND - Theo thống kê của Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội, tại Việt Nam, có đến 90% dân số mắc các bệnh về răng miệng trong đó sâu răng và viêm lợi là 2 bệnh phổ biến. Một con số đáng buồn nữa là 50% người dân Việt chưa bao giờ đi khám để biết về tình hình răng miệng của mình. Nhiều người không biết rằng những bệnh về răng nếu không được điều trị sớm có thể dẫn đến các bệnh khác như viêm cầu thận, đau tim, đột quỵ, viêm phổi, tiểu đường…


Khám và điều trị bệnh về răng tại Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội.

Suýt mất mạng vì chiếc răng sâu

Sâu 2 chiếc răng số 4 và 8 nhưng bà Dương Thị Tần (Quảng Ninh) lại chủ quan chỉ đi khám qua loa và điều trị bằng kháng sinh. Chỉ khi áp xe má góc hàm dưới chèn vào phổi khiến bà không thở được thì bà mới chuyển lên Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội để phẫu thuật dẫn lưu mủ. Bà Tần cho biết, trước đó 10 ngày, bà bị đau răng, nhưng chủ quan không đến bệnh viện thăm khám kỹ lưỡng mà tự dùng thuốc. Sau khi tự điều trị, bà đau sưng vùng má, lan rộng ra vùng mang tai, vùng dưới hàm, cạnh cổ, miệng không há được và khó thở. Lúc đó gia đình mới đưa bà đi cấp cứu trong tình trạng khá nặng. Về trường hợp của bà Tần, bác sĩ Phạm Mạnh Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật và Tạo hình Hàm mặt, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội, cho biết, áp xe vùng hàm mặt do sâu răng là bệnh lý khá phổ biến, thế nên bệnh nhân thường chủ quan không đi khám, tự ý điều trị kháng sinh và khi đến viện nhiều trường hợp đã trong tình trạng khá nặng. Áp xe vùng mặt nếu ko điều trị đến nơi đến chốn có thể gây tử vong do nhiễm trùng máu và lan đến vùng trung thất.

Cách đó một tuần, cũng tại bệnh viện này đã tiếp nhận một bệnh nhân 74 tuổi, ở Hà Nam. Theo đó, bệnh nhân bị đau răng số 6 (hàm dưới), đồng thời bị viêm tủy, nhiễm trùng tại chỗ. Do bệnh nhân chủ quan không điều trị triệt để nên đã bị nhiễm trùng lớn. Đến khi quá đau đớn mới đi viện thăm khám thì bệnh nhân đã bị áp xe quanh hàm, dưới hàm, sàn miệng, lan sâu đến thành bên hầu…

GS, TS Trịnh Đình Hải, Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội, cho biết, những trường hợp nhập viện như hai bệnh nhân trên không phải là hiếm, nguyên nhân xuất phát từ sự chủ quan của chính người bệnh. Hầu như tuần nào bệnh viện cũng phải tiếp nhận bệnh nhân nhập viện trong tình trạng tương tự như 2 trường hợp trên. Nhiều trường hợp do không chăm sóc sức khỏe răng miệng ban đầu mà thành bệnh, bệnh biến chứng nặng khiến các bác sĩ phải điều trị vô cùng vất vả, người bệnh phải chi trả tốn kém và chịu đau, thậm chí tử vong.

Răng tốt, sức khỏe tốt

GS, TS Trịnh Đình Hải cho biết thêm: “Nhiều năm nay, bệnh viện đã cùng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) làm các công tác chuẩn bị để đưa flour vào muối ăn nhằm dự phòng sâu răng trong cộng đồng. Việc sử dụng muối flour đã được các nước trên thế giới sử dụng 60 năm nay và được WHO công nhận hiệu quả, an toàn và kinh tế”.

Học tập kinh nghiệm của các nước và theo khuyến cáo của WHO, Việt Nam đã quan tâm triển khai Chương trình Nha học đường từ năm 1987, sau đó chương trình đã được khởi động ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước. Đến năm 2007, cả nước đã có 8 địa phương là Ninh Bình, Nam Định, Hải Dương, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang được công nhận phủ kín nha học đường ở tất cả trường tiểu học trong tỉnh. Với Chương trình Nha học đường đã có hàng chục triệu trẻ em được chăm sóc răng miệng ổn định, toàn diện tại các trường học. Ở TP Hồ Chí Minh, từ thập niên 1990, hàng triệu người dân ở nhiều quận đã được dùng nước cấp flour hóa. Việc flour hóa nước máy ở TP Hồ Chí Minh đã chứng minh là an toàn và rất hiệu quả trong dự phòng sâu răng cho cộng đồng. Dù vậy, việc duy trì Chương trình Nha học đường hiện nay ở nhiều địa phương còn gặp nhiều khó khăn, có nơi bị gián đoạn. Đến nay, vẫn còn có hàng chục triệu trẻ em không được chăm sóc răng miệng tại trường học.

Thấy được các khó khăn khi mở rộng Chương trình Nha học đường và flour hóa nước cấp, từ năm 2006, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội đã cùng WHO triển khai kế hoạch đưa flour vào muối ăn cho cộng đồng để trong khoảng thời gian không lâu nữa, toàn bộ hơn 90 triệu người Việt Nam đều được dự phòng sâu răng bằng flour qua ăn uống. Năm 2011, WHO đã công nhận Việt Nam là Quốc gia đầu tiên của khu vực châu Á sử dụng muối flour để dự phòng sâu răng cho cộng đồng ở huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Sau 5 năm thực hiện, cuối năm 2016, Hội đồng khoa học của Bộ Y tế đã có kết luận sử dụng muối flour dự phòng sâu răng cho cộng đồng ở Lào Cai là an toàn, hiệu quả...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét